Cách đây không lâu, nhiều người phải ghen tị với mức lương “trên trời” của nhân viên ngân hàng nhưng những tin đồn gần đây cũng khiến người ta giật mình.
Nhìn lại thời “huy hoàng”
Chuyện lương lậu của ngành ngân hàng vốn đã nhiều lần làm nóng dư luận.Cách đây không lâu, chỉ 1, 2 năm trở lại, quan niệm “muốn lương "khủng" cứ làm việc ở ngân hàng” đã nhận được sự ủng hộ của phần đông dư luận. Bởi trong khi các ngành kinh doanh khác phải rất chật vật mới trụ lại được trong thời kỳ kinh tế khó khăn thì ngành ngân hàng vẫn “sống khỏe”, nhân viên ngân hàng vẫn được “lót tay” hàng tháng với mức lương cao.
Đơn cử như năm 2011. Đây được đánh giá là một năm khó khăn của ngành ngân hàng, thậm chí không ít ngân hàng phải thưởng Tết cho cán bộ nhân viên bằng sổ tiết kiệm, bởi tiền mặt khan hiếm. Tuy nhiên, đến khi tổng kết lại thì đây vẫn là ngành được đánh giá là “hot” nhất với mức thu nhập “khủng” lên tới bình quân 22,4 triệu đồng/tháng (ngân hàng Vietcombank). Còn tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), mức thu nhập bình quân của năm 2011 cũng lên đến 20,27 triệu đồng.
Một số ngân hàng khác cũng có mức thu nhập "khủng" trong năm 2011 như ACB bình quân khoảng 16 triệu đồng, Bảo Việt 12,9 triệu, BIDV 11,8 triệu, Eximbank 10,6 triệu, SHB 10,3 triệu, Eximbank 7- 8 triệu đồng... Mức thu nhập thấp nhất trong ngành ngân hàng cũng là trên 5 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa
Sang đến năm 2012, tình hình lương lậu với nhân viên ngân hàng vẫn rất khả quan. Thậm chí, tuy bị cắt thưởng Tết song lương bình quân của nhân viên Techcombank, đến hết tháng 9/2012 vẫn là 11,78 triệu đồng/người/tháng.
Những con số trên mới chỉ là tiền lương, còn con số thu nhập của nhân viên ngành ngân hàng còn “đáng thèm” hơn nữa. Trong năm 2011, thu nhập bình quân năm của nhân viên ngân hàng Vietinbank lên đến gần 260 triệu đồng.
Đến năm 2012, dù khoản thu nhập của nhân viên có giảm sút nhưng vẫn đứng đầu với 243 triệu đồng. Như vậy, thu nhập bình quân tháng của nhân viên ngân hàng này là 20,22 triệu đồng, trong đó 19,7 triệu từ lương và phần còn lại đến từ thu nhập khác.
Nằm trong top nhân viên ngân hàng có thu nhập "khủng" còn có Ngân hàng Quân đội (mã giao dịch: MBB) và Eximbank (mã giao dịch: EIB) xấp xỉ nhau với 209 triệu đồng/năm, tương đương 17,5 triệu/tháng. Đối với nhân viên của MBB, tiền lương bình quân chiếm hơn 11 triệu đồng, hơn 6 triệu còn lại là tiền thưởng và thu nhập khác. Trong khi đó, tiền lương tháng bình quân của nhân viên EIB là 14,8 triệu và tiền thưởng, thu nhập khác chiếm 2,5 triệu đồng.
Ông lớn khác là BIDV cũng có thu nhập 179 triệu đồng/năm mà mỗi nhân viên nhận được, tương đương gần 15 triệu đồng/tháng. Trong đó 12.3 triệu thu từ lương, phần còn lại là các khoản phụ cấp và thu nhập khác.
Trong năm nay, trong top các doanh nghiệp trả lương trên 18 triệu đồng/tháng ngành ngân hàng có tới 3 đại diện. Đó là Vietinbank, Vietcombank và MBBank.
Không chỉ nằm trong top các doanh nghiệp trả lương trên 18 triệu đồng/tháng, các ngân hàng này còn có mức lương ấn tượng lên tới hơn 20 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, tuy có giảm chút ít so với mức thu nhập 21,13 triệu đồng/tháng của cuối năm 2012 nhưng bình quân 3 tháng đầu năm, lương và phụ cấp nhân viên Vietinbank vẫn đạt 21,01 triệu đồng/tháng, con số này của 3 tháng đầu năm 2012 là 22,4 triệu đồng/tháng.
Với mức thù lao nói trên, Vietinbank tiếp tục là ngân hàng trả lương cao nhất cao nhất Việt Nam hiện nay. Đứng thứ 2 là Vietcombank với mức thù lao trung bình 19 triệu đồng/tháng. Sau đó là MBBank là ngân hàng ngoài quốc doanh có mức thu nhập cao nhất. Nhân viên ngân hàng này có mức thu nhập ở mức 18 triệu đồng/tháng.
Cũng chính vì những con số đáng mơ ước này mà ngành ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây luôn được coi là ngành hot mà bạn trẻ nào cũng muốn được thử sức và tham gia.
Lại tiếp tục gây “sốc”
Cũng gây “sốc” không kém thời điểm công bố những mức lương cao ngất ngưởng trước đó thì những tin đồn gần đây về mức lương ngành này tiếp tục khiến dư luận xôn xao. Nhiều thông tin cho rằng, kinh doanh sa sút đã khiến nhiều nhà băng đồng loạt cắt giảm mạnh thu nhập, nhân viên mới vào chỉ nhận lương 2,5 triệu đồng/tháng - thấp hơn cả mức lương bình thường của ôsin.
Không chỉ lương của những nhân viên mới vào mới “bèo” mà đối với nhân viên bộ phận quan hệ khách hàng làm việc từ một năm trở lên thì tình hình cũng không khá khẩm hơn. Chưa tính hoa hồng, lương của bộ phận này cũng chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng - mức khó tin đối với ngành nghề vốn được coi là rất “hot” từ trước đến nay.
Thông tin trên càng được cho là có cơ sở khi một số ngân hàng lên tiếng thừa nhận, tình hình thu nhập dành cho nhân viên trong năm nay sẽ không mấy khả quan. Tại Navibank - ngân hàng đầu tiên trong danh sách các ngân hàng niêm yết tuyên bố lỗ, thu nhập nhân viên cũng giảm mạnh.
Báo cáo tài chính quý 2 của Navibank cho thấy, khoản tiền dùng để chi lương, phụ cấp cho cán bộ công nhân viên đã giảm từ hơn 128,7 tỷ đồng xuống còn hơn 84,9 tỷ đồng. Bình quân, mỗi nhân viên ngân hàng này nhận về hơn 9,1 triệu đồng/tháng.
Không chỉ các ngân hàng mà ngay cả giới chuyên gia, phân tích cũng đồng tình với thông tin này. Một chuyên gia cho rằng, trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, một công việc trong ngành ngân hàng đã không còn “hot” như trước kia bởi lẽ nền kinh tế khó khăn, các ngân hàng giảm lãi, thậm chí là thua lỗ nên phải cắt giảm chi phí.
Vì thế, trước đây, so với các ngành kinh tế khác, lương thưởng cũng như các chế độ trong ngành ngân hàng đúng là cao hơn, nhưng hiện tại, mức này ở trung bình. Thậm chí nếu so với các quốc gia xung quanh và trong khu vực về số tuyệt đối, thu nhập của cán bộ nhân viên ngân hàng Việt Nam ở mức rất thấp.
Không chỉ giảm công khai, nhiều ngân hàng còn gián tiếp cắt giảm lương của nhân viên thông qua việc điều chuyển vị trí công tác, trong đó đáng ngại nhất là bị chuyển từ nhân viên chính thức thành cộng tác viên, hợp đồng thời vụ, bởi lẽ mức lương có thể giảm đi một nửa so với trước.
Tình hình “ế ẩm” này khiến không ít nhân viên ngành ngân hàng thừa nhận đã, đang hoặc sẽ phải nghĩ cách kiếm thêm bằng những công việc bán thời gian để…”tích” thêm thu nhập.
Theo Lê Thịnh/Kiến thức
Bình luận